Cúng động thổ - Những điều cần biết
CÚNG ĐỘNG THỔ
Nguồn gốc lễ cúng động thổ: Theo quan niệm từ phương đông là trên mảnh đất của chúng ra chuẩn bị xây dựng có những vong linh của người đã khuất đang cư ngụ hoặc là nơi từng diễn ra các hoạt động tâm linh linh thiêng...
Do đó việc làm lễ cúng là một hành động mang ý nghĩa trình báo rằng sắp có hoạt động xây dựng diễn ra trên mảnh đất này, mong muốn rằng các vong linh đó hoan hỷ rời sang một nơi khác để công việc xây dựng được diễn ra thuận lợi, suôn sẻ.
Ngoài ra lễ cúng khởi công còn là sự trình báo đến Thổ địa và Thành hoàng đang quản lý khu đất đó rằng sẽ có hoạt động xây dựng diễn ra trên mảnh đất này. Người Việt Nam ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc từ xa xưa, quan niệm rằng đất có Thổ địa, khi đào xới đụng chạm tới đất phải cúng kiếng xin phép Thổ địa.
Bởi tính chất của nghi lễ đó, nên hầu hết người Việt Nam khi tiến hành xây mội ngôi nhà mới đều làm lễ cúng động thổ với hi vọng công việc sẽ diễn ra suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió, cuộc sống hiền hoà về sau.
Cách bày mâm lễ cúng động thổ
Trong lễ động thổ ngày xưa phải cúng tam sinh, ngày nay đơn giản hơn, nhưng phải là con gà, đĩa xôi, hương, hoa quả, vàng mã… Sau khi làm lễ gia chủ là người cầm cuốc bổ những nhát đầu tiên, trình với Thổ thần xin được động thổ, tiếp sau đó, mới cho thợ đào.
Mâm lễ thường gồm:
- 1 bộ tam sên (1 miếng thịt luộc, 1 con tôm luộc, 1 trứng vịt luộc)
- Một con gà.
- Một đĩa xôi hoặc bánh chưng.
- Một đĩa muối
- Một bát gạo, Một bát nước.
- Rượu trắng.
- Bao thuốc, lạng chè.
- Một bộ quần áo Quan Thần Linh, mũ, hia tất cả màu đỏ, kiếm trắng.
- Một đinh vàng hoa.
- Năm lễ vàng tiền.
- Năm cái oản đỏ.
- Năm lá trầu, năm quả cau. (hoặc 3 miếng trầu cau (đã têm)
- Năm quả tròn (ngũ quả: 5 loại trái cây).
- Chín bông hoa hồng đỏ.
- 1 đĩa muối gạo,
- 3 hũ nhỏ đựng muối-gạo-nước.
Cách thức tiến hành lễ cúng động thổ:
a, Đối với gia chủ
_ Đầu tiên gia chủ cần chọn ngày giờ tốt để tiến hành lễ cúng (điều này rất có ý nghĩa về mặt tâm linh).
_ Mọi người chuẩn bị lễ vật. Lễ vật được đặt trên một cái mâm và trên 1 cái bàn đặt ở giữa khu đất.
_ Gia chủ quần áo chỉnh tề, thắp đèn nhang vái bốn phương, tám hướng rồi quay vào mâm lễ mà khấn. Sau khi cúng xong, khi hương gần tàn gia chủ hóa tiền vàng, đốt giấy vàng bạc và rải muối gạo.
Sau khi làm lễ động thổ, gia chủ là người cầm cuốc bổ những nhát đầu tiên lên chỗ đất của mình coi như hành động động thổ, tiếp sau đó, thợ có thể bắt tay vào công việc.
*** Lưu ý: Theo phong thuỷ, những người có tuổi phạm vào năm Kim Lâu và Hoang Ốc thì không nên làm nhà. Nếu buộc phải xây thì gia chủ khi làm nhà phải mượn người có tuổi không phạm vào hai điều trên để đại diện cúng động thổ:
. Trước đó phải làm giấy tờ bán tượng trưng khu đất đó cho người mượn tuổi lấy 100.000 đồng có làm giấy tờ (chủ nhà giữ).
. Trong khi động thổ: người mượn tuổi thay gia chủ khấn vái và động thổ như trên. Lúc này gia chủ phải lánh khỏi nơi làm nhà xa từ 50m trở lên, sau khi hoàn tất việc động thổ xong mới trở về.
. Các kỳ đổ mái tầng 1, tầng 2… và tầng cuối cùng, người mượn tuổi vẫn tiếp tục dâng hương, khấn lễ, gia chủ vẫn phải lánh mặt lúc làm lễ.
. Khi nhập trạch: người mượn tuổi làm mọi thủ tục dâng hương, khấn thành lời bàn giao nhà cho gia chủ. Gia chủ làm giấy tờ mua lại nhà với giá 100.000 đồng và khấn cầu, lễ theo phần nhập trạch.
b) Đối với đơn vị thi công
Sau khi gia chủ cúng xong thì đơn vị thi công cũng vào thắp nhang cúng và khấn giống như bên trên. Ngoài việc khấn cùng thần hoàng, thổ địa thì dvtc sẽ khấn thêm tổ nghề (Lỗ Ban) và cầu mong mọi việc tiến hành suôn sẻ.
Văn khấn lễ động thổ (sưu tầm)
Trên đây là bài viết tổng hợp toàn bộ quy trình của lễ cúng động thổ. Chúc mọi người có một ngôi nhà bình an, ấm cúng.
Trần Tuyên - KS Xây Dựng