Cách thi công móng băng
CÁCH THI CÔNG MÓNG BĂNG
Có phải bạn đang băn khoăn về cách thi công móng băng? Bạn cần có những kinh nghiệm thi công móng băng cơ bản để bắt đầu cho công trình của mình. Vậy móng băng là gì?
Móng băng: là phần móng nằm dưới hàng cột hoặc tường, thường có dạnh một dải dài, có thể độc lập hoặc giao nhau theo hình chữ thập, được dùng để đỡ tường hoặc cột. Trong xây dựng công trình nhà dân dụng, móng băng được sử dụng rộng rãi nhất vì độ lún đều hơn và dễ thi công hơn móng đơn. Khi xây nhà cần lựa chọn móng băng một cách hợp lí, chiều rộng <1,5m, nếu cấu tạo sai lệch có thể dẫn tới lún nhiều hơn móng đơn.
Phân loại
- Móng băng 1 phương
- Móng băng 2 phương
Thi công móng băng
Quy trình thi công móng băng xây dựng bao gồm:
- Giải phóng mặt bằng - Công tác chuẩn bị
- San lấp mặt bằng - Công tác đất
- Công tác cốt thép
- Công tác cốp pha
- Công tác bê tông
1. Giải phóng mặt bằng - Công tác chuẩn bị
Giải phóng mặt bằng - Công tác chuẩn bị được coi là bước căn bản đầu tiên trong quá trình thi công móng băng. Chuẩn bị công tác giải phóng mặt bằng thi công, chuẩn bị nguồn nhân công, các phương tiện máy móc thiết bị, nguyên vật liệu... cho quá trình thi công móng băng trong công trình xây dựng nhà dân dụng. Để chuẩn bị tốt cho quá trình thi công thì khâu chọn nguyên vật liệu là một bước vô cùng quan trọng. Các loại nguyên vật liệu tiến hành thi công như thép, cát, xi măng, đá,...cần được chuẩn bị một cách chu đáo cả về chất lượng cũng như khối lượng để đảm bảo chất lượng của móng băng đạt tiêu chuẩn chịu tải trọng của công trình sau này. Các phương tiện máy móc thiết bị thi công cũng cần được chuẩn bị ổn thỏa để đảm bảo tiến độ của quá trình thi công.
2. San lấp mặt bằng - Công tác đất
Bước tiếp theo của quá trình thi công móng băng là quá trình san lấp mặt bằng - công tác đất. Việc san lấp mặt bằng, dọn dẹp khu đất xây dựng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thi công được tiến hành trong điều kiện tốt nhất.
Công tác đất:
- Xác định trục công trình trên mặt bằng khu đất dựa theo bản thiết kế có sẵn.
- Đào móng theo trục công trình đã được xác định.
- Dọn sạch khu vực móng vừa đào, đảm bảo cho khu vực móng trong điều kiện khô ráo nhất (hút nước nếu xuất hiện nước dưới phần hố móng).
3. Công tác cốt thép
Trong quá trình tiến hành thi công móng băng, cốt thép có thể gia công tại hiện trường thi công hoặc được gia công tại nhà máy nhưng vẫn phải đảm bảo được yêu cầu cơ giới phù hợp với khối lượng thép tương ứng cần gia công.
Cốt thép được gia công theo đúng yêu cầu thiết kế của công trình móng xây nhà dân dụng theo tiêu chuẩn xây dựng. Trong quá trình lắp ráp cốt thép, sử dụng mối hàn hay biện pháp cơ giới, cần chú ý đến công tác làm dịu mối hàn tránh gây cháy cốt pha. Cốt thép phải được bố trí theo đúng phương mà bản vẽ thiết kế móng quy định tránh trường hợp thợ đặt theo kinh nghiệm. Kết cấu mỗi công trình lại có một yếu tố khác nhau, nên cẩn thận trong cách bố trí để tránh đặt sai phương chịu lực của thép, tránh làm giảm tác dụng của cả hệ kết cấu cốt thép.
Cốt thép được lựa chọn để gia công móng băng cho công trình cần đảm bảo các yếu tố về chất lượng thép. Điều này khi mua nguyên vật liệu chúng ta có thể thấy được bằng mắt thường.Thép không gỉ, không bám bẩn hay dính bùn đất. Các thanh thép cần đạt tiêu chuẩn về chất lượng, các thanh thép bị giảm tiết diện do các yếu tố khách quan không vượt quá giới hạn cho phép 2% đường kính. Cốt thép gia công cần có độ dẻo dai, thuận tiện cho công tác gia công uốn nén phù hợp với hình dạng công trình.
Quá trình gia công uốn nén cốt thép phải phù hợp với hình dạng của công trình móng nhà, được tiến hành bằng phương pháp thủ công hoặc cơ học. Các mối hàn và mối buộc nối phải đảm bảo yêu cầu kĩ thuật. Trước khi tiến hành ghép cốt pha phải buộc sẵn con kê bằng bê tông đúc sẵn.
Các bước thi công:
- Gia công thép theo đúng yêu cầu kĩ thuật
- Lót gạch hoặc bê tông để tạo khoảng trống với phần đất nền móng.
- Đặt các bản kê lên phía trên bê tông (gạch) lót.
- Đặt thép móng băng
- Đặt thép dầm móng
- Đặt thép chờ cột
4. Công tác cốp pha
Công tác cốp pha được đặt theo lưới thép định trước.
Lắp đặt hệ thống ván khuôn cho quá trình đổ bê tông nền móng. Ván khuôn được lựa chọn phải phù hợp với từng loại móng và đảm bảo các yêu cầu kĩ thuật trong quá trình thi công. Các thanh chống lên thành đất phải được kê trên những tấm gỗ dày ít nhất 4cm nhằm làm giảm lực xô ngang khi tiến hành đổ bê tông.
Tim móng và cột phải luôn được định vị và xác định được cao độ.
5. Công tác bê tông
Đổ bê tông là khâu cuối cùng trong sau công tác cốt thép và cốt pha.
Quá trình đổ bê tông là quá trinh đòi hỏi sự cẩn thận để đảm bảo chất lượng của móng công trình. Bê tông thi công móng phải được trộn đúng quy cách, thời gian cũng như đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng.
Đá, cát và sỏi dùng để trộn bê tông phải đảm bảo có chọn lọc đúng kích cỡ hạt cho chất lượng bê tông ra tốt hơn và không có bong bóng trong lỗ rỗng bê tông thành phẩm.
Mặt cắt bê tông có dạng hình thang, độ nghiêng mái dốc nhỏ, không cần phải ghép cốp pha trên bề mặt mà chỉ cần ghép hai bên thành. Sau khi đổ bê tông cần nhanh chóng sử dụng các loại đầm bàn, đầm dùi để nén bê tông cho bê tông không bị chảy và chắc.
Trong quá trình thi công móng băng, cần tránh để cho hố móng bê tông bị ngập nước. Bê tông ngập nước sẽ làm giảm chỉ tiêu chất lượng, làm tính liên kết của vữa xi măng giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt phần móng bê tông yêu cầu mác cao.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Trên đây là các bước căn bản của quá trình thi công móng băng, chúng tôi hy vọng nó sẽ giúp ích cho bạn khi bắt đầu thi công công trình nhà dân dụng của gia đình.
Sưu tầm và tổng hợp: J.Sach - KS Xây Dựng
===================================
Các bài viết hay khác:
- Quy trình xây dựng và Kinh nghiệm xây nhà từ A-Z
- Thủ tục cấp phép xây dựng
- Chỉ giới xây dựng và chỉ giới đường đỏ là gì?
- Các nghi lễ cúng bái xây nhà mới
- Kinh nghiệm chọn hướng nhà
- Cấu trúc, cấu tạo một ngôi nhà dân dụng